Nguyễn Trãi Quốc Âm Từ Điển
A Dictionary of 15th Century Ancient Vietnamese
Trần Trọng Dương.

Quốc Ngữ hoặc Hán-Nôm:

Phần giải nghĩa dân gian
bụi bụi 倍倍 / 配配 / 蓓蓓
◎ Phiên khác: phơi phới (TVG, ĐDA), bủi bủi: rời không dính nhau (Schneider, PL). Có thể phiên bụi bụi và có nghĩa là bụi (phủibụi trong tiếng Việt có quan hệ về trường nghĩa và cả mối liên hệ về âm). Âm bph vẫn thấy quan hệ trong tiếng Việt hiện nay, như ăn mặc bụi bặmmặc phủi. “… ngôn từ dân gian cho thấy trong tiếng Việt cổ có những danh từ chỉ sự vật lặp lại hai lần để chỉ phạm trù số nhiều không xác định. Đặc biệt với những loài nhỏ, thường tập hợp nhiều cá thể thành đám, ví dụ như mẳn mẳn, rặt rặt, sẻ sẻ, sao sáo, châu chấu, cào cào, đòng đong, cấn cấn, liu điu…” [NH Vĩ 2010].
dt. <từ cổ> nhiều bụi. Mấy thu áo khách nhuốm hơi dầm, bén phải Đông Hoa bụi bụi xâm. (Tự thuật 119.2).
đgt. <từ cổ> hoá thành cát bụi. Vương Chất tình cờ ta ướm hỏi, rêu bụi bụi thấy tiên đâu. (Trần tình 41.8). Mượn ý từ bài Tái đáo Thiên Thai của Tào Đường có câu: “Lại đến Thiên Thai hỏi ngọc chân, rêu xanh đá trắng hoá bụi trần.” (再到天台訪玉真,蒼苔白石已成塵 tái đáo Thiên Thai phỏng ngọc chân, thương đài Bạch Thạch dĩ thành trần).
chấm 點
◎ Nôm: 枕 Đọc theo âm Việt hoá. AHV: điểm. Chữ điểm 點 nguyên có thanh phù là chiêm 占. Còn thấy tương ứng giữa chấm mồm = đấm mồm trong cách nói dân gian. đố mọt trùng sâu, cú câu điểm chấm (Tam Thiên Tự: 35).
đgt. điểm mực ngắt câu văn, như cú đậu 句讀. Chà mai đêm nguyệt, dậy xem bóng, phiến sách ngày xuân ngồi chấm câu. (Ngôn chí 3.4). chấm câu là ngữ động từ, sau cho các nghĩa Việt dụng khác như chấm bài, chấm thi, chấm điểm, chấm người.
cám 粓
◎ Nôm: 𥼲 Nước gạo. Thuyết Văn ghi: “Nhà Chu gọi chữ phan 潘 là cám, cũng viết là 粓.” (周謂潘曰泔。或作粓). Sách Tập Vận viết: “粓: âm cám, nghĩa là nước gạo” (沽三切,音甘。米汁也). Trong tiếng Việt, cám trỏ “gạo xay giã nát ra. Tấm cám: lúa xay nát ra gọi là tấm, gạo xay nát ra gọi là cám. Sú cám: đổ nước khuấy cám cho heo ăn” [Paulus của 1895: 93]. Trong tiếng Việt hiện nay, cám trỏ các loại thức ăn bột cho vật nuôi, không còn mang nghĩa “nước vo gạo nữa”. Nhưng, dân gian vẫn quen dùng nước vo gạo để nấu cám. Có lẽ, sự chuyển nghĩa từ Hán sang Việt là do thói quen này. Ss đối ứng kam (9 thổ ngữ Mường), tlɤw (3 thổ ngữ Mường), năn (5 thổ ngữ Mường), tʼap [NV Tài 2005: 185]. Như vậy, “cám” gốc Hán, “trấu” gốc Việt, “năn”- “tʼap” có khả năng là gốc Tày Thái. Đồng nguyên với cốm.
dt. cơm gạo. Vàng bạc nhà chăng có mỗ phân, lành thay cơm cám được no ăn. (Trần tình 38.2). Cơm cám: trỏ cơm ăn nói chung. x. cốm.
giao 蛟
dt. giao long, tức một loài cá sấu, dân gian hay gọi là con thuồng luồng. Hang thỏ trầm tăm Hải Nhược, nhà giao giãi bóng thiềm cung. (Thuỷ thiên nhất sắc 213.4). x. nhà giao.
dt. nước trời một sắc, tên bài số 213. Lạc tân vương có câu thơ nổi tiếng: “ráng chiều cùng cánh cò bay, nước thu một sắc nhuốm đầy trời xa” (落霞與孤鷺齊飛,秋水共長天一色lạc hà dữ cô lộ tề phi, thu thuỷ cộng trường thiên nhất sắc). Vua Trần Thánh Tông có câu: “Trăng vô sự chiếu người vô sự, nước ngậm thu lồng trời ngậm thu.” (月無事照人無事,水有秋涵天有秋。)
khoảng 爌
◎ Là tục tự của 曠 [Vương Lực 1982: 344 - 347]. Phiên khác: “gạch quẳng: viên gạch vất đi” [TVG,1956: 92]. “hòn gạch đã vỡ mà quẳng đi lại còn đem bày với ngọc được sao?” [ĐDA 1976: 426, 762]. “quẳng” [Bùi Văn Nguyên 1994: 90], “une brique jetée ne peut être placée à côté du jade” [Paul Schneilder 1987: 163]. “viên gạch vỡ vất (quẳng) đi. Đời Đường, nhà thơ nổi tiếng hiệu hà qua đất ngô. Tiến sĩ thường kiến biết hà sẽ đi qua chùa linh nham, bèn đề trước lên vách hai câu thơ. Khi hà đến, quả nhiên đề tiếp thành bài tứ tuyệt tuyệt hay. Mọi người bảo đó là ‘ném gạch dụ dẫn ngọc’, ý chỉ lấy cái thô thiển để lôi kéo cái cao minh. Sau thành điển phao chuyên dẫn ngọc” [MQL 2001: 848].
tt. quãng, khi (từ dùng để hỏi thời gian), khoảng nào nghĩa là “khi nào”. Gạch khoảng nào bày với ngọc, sừng hằng những mọc qua tai. (Tự thán 92.3). Phiên là “khoảng” vì những lý do như sau. Thứ nhất, đọc lại cả bài thơ chúng ta sẽ thấy bài Tự thuật này không có cứ liệu nào hé mở về chuyện Nguyễn Trãi đang bàn đến việc “phao chuyên dẫn ngọc” trong khi làm thơ. Bài thơ đậm chất thể nghiệm về cuộc sống, với mật độ dày đặc của các từ ngữ, điển cố, thành ngữ nói về cuộc sống, nhân sinh, đạo đức, tư văn của nho gia. Này là chuyện “tranh giành thời cơ”, chuyện được mất tình cờ trong cuộc sống, này là chuyện ăn ở ở đời, chuyện làm lành làm dữ, chuyện đức chuyện tài… Chúng ta không thấy con người thi nhân đâu cả, mà chỉ thấy một Nguyễn Trãi ưu thời trong cõi thế thái nhân tình. Thứ hai, về luật đối, chúng ta thử đọc lại câu thơ trong liên thơ của nó: gạch khoảng nào bày với ngọc, sừng hằng những mọc qua tai. Chữ “khoảng nào” đối với chữ “hằng những”. Nếu phiên “quẳng” thì sẽ phạm lỗi ngữ pháp, “quẳng” không đối với “hằng” được. Thứ ba, về ngữ liệu: câu 3 dùng điển 瓦玉集糅 (ngoã ngọc tập nhu) tương đương với thành ngữ “vàng thau lẫn lộn” trong tiếng Việt. Vương sung đời Hán trong sách Luận Hành viết: “hư vọng lại mạnh hơn chân thực, quả là loạn trong đời loạn, người chẳng biết đâu phải đâu trái, chẳng phân biệt màu đỏ màu tía, chung chạ bừa bãi, gạch ngói chất bừa, ta lấy tâm tình ta mà nói về những chuyện đó, há lòng ta có thể chịu được chăng?’” (虛妄顯於真實誠亂於偽世人不悟是非不定紫朱雜厠瓦玉集糅以情言之豈吾心所能忍哉). Nguyễn Trãi đã dùng thành ngữ này để đối với một thành ngữ khác ở câu dưới là “sừng mọc quá tai”, thành ngữ sau là một thành ngữ thuần Việt, gần nghĩa như câu hậu sinh khả úy. dân gian có chuyện, có anh học trò đi xin ăn, gặp ông quan, ông quan bảo: nay mười tư mai lại hôm rằm, học trò không làm, học trò đói ngàn năm. Anh học trò bảo: nay mồng một mai lại mồng hai, sừng không mọc, sừng mọc qua tai. Ý chuyện này nói rằng: cái sừng vốn mọc sau nhưng lại dài hơn tai, cũng như kẻ thiếu niên thường hay muốn vượt lên trên những người đi trước [chuyển ý ĐDA 1976: 762]. Dầu thấy hậu sinh thì dễ sợ, sừng kia chẳng mọc mọc hơn tai. (Bạch Vân )‖ Hay đâu tai mọc qua sừng, mới biết da kia hơn ruột (Sơn Hậu, 8).
lịch quan 歷官
dt. <Tngls> chức quan giữ việc lịch pháp thời xưa. Chẳng thấy lịch quan tua sá hỏi, ướm xem dần nguyệt tiểu hay đài? (Trừ tịch 194.7). “lịch quan là một dấu hiệu của người tham chính. Khi còn tham chính, ông cũng hỏi lịch quan trong bài Trừ tịch… từ chối lịch quan là phủ nhận công quyền. Đến đây ông không cần vinh hạnh đó nữa vì đã có cách tính ngày theo kinh nghiệm nhìn con nước của dân gian khi ông về sống cuộc đời dân vạn đại.” [NH Vĩ 2010].
na 難
dt. na là nghi thức xua đuổi các loài quỷ mang bệnh đến. Đây là một tập tục cổ được thực hiện lúc giao thừa. ở Trung Quốc, nghệ thuật diễn xướng dân gian có na vũ 儺舞 là loại múa đuổi tà dịch, cũng có na hý 儺戲 trò vui đuổi quỷ dịch; trong đó người diễn đều đeo mặt nạ gỗ và diễn lại tích truyện mời thần xua tà, ban phúc. Vị thần xua tà, trừ diệt tật bệnh ấy được gọi là na thần 儺神. Trong buổi lễ na, người thời cổ thường chặt tre vầu tươi, đốt lên để các đốt tre phát ra những tiếng nổ lớn. Lửa và tiếng nổ là biểu tượng quyền lực của thần na, khiến các loài quỷ đều phải sợ. Sau này, người ta mới thay thế bằng pháo thuốc. khua na: là cách đọc cổ của khu na. Sở dĩ đọc âm xua mà không đọc âm khua vì từ khua trong tiếng Việt đã có nét nghĩa khác. Chong đèn chực tuổi cay con mắt, đốt trúc khua na đắng lỗ tai. (Trừ tịch 194.6). x. đốt trúc, x. chong đèn đợi tuổi.
quế 桂
dt. cây gỗ, hoa nhỏ, màu trắng hay vàng, mùi thơm, làm hương liệu, còn gọi là mộc tê 木犀, dân gian gọi là cây hoa mộc. Hoa mộc được trồng chủ yếu ở phía bắc để làm cảnh, ưa ẩm, ưa bóng râm, thường trồng ở quanh nhà, vườn đình chùa. Ghé cửa đêm chờ hương quế lọt, quét hiên ngày lệ bóng hoa tàn. (Bảo kính 160.3). x. mộc hoa.
rãnh 𪽏
dt. <từ cổ> luống, “từ ngữ dân gian tiếng rãnh còn chỉ cả cái rãnh khô, ít nhất có 4 loại như sau: làm tơi đất khô, dùng cuốc xẻ sâu thành từng rãnh để gieo hoặc trồng. Sau khi đã vun luống, xẻ nóc luống sâu thành rãnh để đặt chồi sắn, dâu, khoai… phần đất được giới hạn bởi hai rãnh sâu cũng có thể gọi là rãnh ( như ta nói bờ cõi là để chỉ phần đất được giới hạn bởi bờ và cõi). Tiếng rãnh có thể là tiền thân của rặng khi dân vẫn nói: rãnh cà, rãnh mía, rãnh sắn, rãnh tre… việc dùng chữ điền để biểu ý cho ta biết ông muốn nói tới cái rãnh khô.” [NH Vĩ 2010: 1058]. Nước dưỡng cho thanh đìa thưởng nguyệt, đất cày ngõ ải rãnh ương hoa. (Ngôn chí 4.6, 10.4, 17.6)‖ (Thuật hứng 68.6).
sanh 鐺
◎ Nôm: 𭶙 Quảng Vận ghi: “sở canh thiết” (楚庚切). Sách Thông Tục Văn ghi: “Chõ có chân thì gọi là sanh” (鬴有足曰鐺). Còn có âm là “đang” trong “lang đang” (鋃鐺) nghĩa là cái khoá. Phiên khác: đang: sanh vạc để nấu nước (TVG, VVK), đang: xanh nước (BVN), xanh: cái xanh (MQL). Nay đề xuất.
dt. <từ cổ> cái sanh bằng gang, có chân (thường viết là xanh do xoá nhãn), dân gian gọi là cái chõ. Đình Thấu Ngọc tiên sanh tuyết nhũ, song mai hoa điểm quyển Hy Kinh. (Tự thán 107.3).
sừng 𧤁
◎ {giác 角+ lăng 夌}. Proto Mon Khmer: *crĭŋ [NT Cẩn 1997: 113]. Ss đối ứng khrưng² trong tiếng Rục [NV Lợi 1993: 157]. Kiểu tái lập: *krwng² [TT Dương 2013b]. sừng gốc Mon Khmer, gạc/ ngạc gốc Hán.
dt. gạc của động vật. Sừng mọc qua tai. Thng gần nghĩa như câu hậu sinh khả úy. dân gian có chuyện, có anh học trò đi xin ăn, gặp ông quan, ông quan bảo: nay mười tư mai lại hôm rằm, học trò không làm, học trò đói ngàn năm. Anh học trò bảo: nay mồng một mai lại mồng hai, sừng không mọc, sừng mọc qua tai. Ý chuyện này nói rằng: cái sừng vốn mọc sau nhưng lại dài hơn tai, cũng như kẻ thiếu niên thường hay muốn vượt lên trên những người đi trước. [chuyển ý ĐDA: 762]. Gạch khoảng nào bày với ngọc, sừng hằng những mọc qua tai. (Tự thán 92.4)‖ dầu thấy hậu sinh thì dễ sợ, sừng kia chẳng mọc mọc hơn tai (Nguyễn Bỉnh Khiêm - Bạch Vân Am)‖ hay đâu tai mọc qua sừng, mới biết da kia hơn ruột (Sơn Hậu, 8b6).